Gout và những câu hỏi thường gặp

1. Bệnh Gout là gì?

Gút là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất. Bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể. Việc tích tụ axit uric có thể dẫn đến:

  • Các tinh thể axit uric sắc nhọn lắng đọng lại ở các khớp, thường ở ngón chân cái
  • Các lớp axit uric lắng đọng (được gọi là sạn urat) trông giống như những cục u dưới da
  • Sỏi thận từ các tinh thể axit uric trong thận.
Những vị trí thường gặp của bệnh Gout
Những vị trí thường gặp của bệnh Gout

2. Những ai dễ bị Gout ?

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh là 0,3% dân số người lớn, nghĩa là cứ 330 người lớn thì có một người mắc bệnh Gout. Bệnh thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp, dân gian thường gọi là “tốt tướng”. Phụ nữ rất ít bị bệnh Gout, nếu bị thường là lứa tuổi trên 60.

Thường nhất là bắt đầu vào cuối tuổi 30 và đầu 40 của cuộc đời, với những người có cuộc sống vật chất sung túc, dư thừa dinh dưỡng.Vì hai đặc điểm này mà các vị giám đốc trẻ, hay những người đàn ông thành đạt nói chung nên lưu tâm hơn về căn bệnh này.

Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa, bệnh nhân Gout thường thừa cân, thường mắc thêm một hay nhiều bệnh như: Xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch não…Nói cách khác, các bệnh nhân bị cách bệnh nói trên rất dễ bị Gout.

3. Làm sao biết mình bị Gout ?

Bệnh khởi phát cấp tính, thường vào nửa đêm gần sáng, với tính chất sưng tấy, nóng, đỏ mọng, đau dữ dội và đột ngột ở một khớp (không đối xứng). Thường gặp nhất ở ngón chân cái, kế đó là khớp bàn chân, khớp cổ chân, các ngón chân khác, khớp gối, bàn tay và các khớp và các vùng gần khớp khác.

Có thể có kèm một số triệu chứng toàn thân như sốt cao, lạnh run, ớn lạnh…Thậm chí, một số trường hợp gây nhức đầu, ói mửa, cổ gượng (do phản ứng màng não).

Hiện tượng viêm cấp tuy rất rầm rộ nhưng cũng chỉ kéo dài 5-10 ngày, rồi khỏi toàn thân, không để lại di chứng gì tại khớp. Nếu được dùng thuốc sớm, đúng thuốc, đúng liều lượng bệnh sẽ hết rất nhanh (dưới 5 ngày).

Bệnh tái phát từng đợt với xu hướng càng ngày càng nhiều đợt viêm hơn, các đợt viêm khớp ngày càng dài ra, càng lâu khỏi hơn, càng có nhiều khớp bị viêm hơn…

4. Những nguyên nhân gây ra bệnh Gout

Bệnh gút là do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể gây ra. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. Các chất này cũng có trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như gan, các loại đậu và đậu Hà Lan khô và cá cơm.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu. Nó bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể trong nước tiểu. Tuy nhiên, axit uric có thể tích tụ lại trong máu khi:

  • Gia tăng lượng axit uric cơ thể tạo ra.
  • Thận không bài tiết hết axit uric.
  • Ăn quá nhiều loại thực phẩm giàu purin.

Khi nồng độ axit uric trong máu cao, điều này được gọi là tăng axit uric huyết. Hầu hết những người tăng axit uric huyết không gây nên bệnh gút. Nhưng nếu có quá nhiều tinh thể axit uric hình thành trong cơ thể thì có thể gây nên bệnh gút.

Nguyên nhân của bệnh Gout
Nguyên nhân của bệnh Gout

5. Gout nguy hiểm đến mức nào ?

Hậu quả trước mắt là các đợt viêm khớp Gout cấp – nỗi kinh hoàng cho những ai bị Gout, tuy nhiên ở giai đoạn đầu các đợt viêm này thường không kéo dài, không thường xuyên và rất dễ chữa. Nếu bệnh không được điều trị đúng và đủ, các đợt viêm khớp sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài hơn, khó chữa hơn và hậu quả lâu dài, cố định của bệnh sẽ là viêm nhiều khớp, xuất hiện nhiều u cục quanh khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, tàn phế, sỏi hệ tiết liệu đặc biệt là sỏi thận nguy hiểm hơn cả là suy chức năng thận, đây là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của các bệnh nhân Gout.

Với những hiểu biết hiện nay về bệnh Gout, với những phương tiện và thuốc men hiện có, bệnh Gout được coi là bệnh dễ chuẩn đoán, có thể chuẩn đoán sớm và có thể điều trị đạt kết quả cao. Tuy nhiên trên thực tế ở nước ta, mọi việc hầu  như bị đảo ngược và lý do cơ bản là  sự thiếu hụt kiến thức về một bệnh lý thường gặp. Sự thiếu hụt kiến thức này không chỉ ở cộng đồng, ở người bệnh mà còn ở cả nhiều thầy thuốc (hay bị chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng và cho uống thuốc kháng sinh hoặc chuẩn đoán chung chung vô nghĩa là thấp khớp, viêm đa khớp). Chính sự thiếu hụt kiến thức này đã biến một bệnh dễ chuẩn đoán, dễ chữa thành bệnh nan y! Và khi đã thành nan y thì nguy cơ tử vong là rất gần trong nhiều trường hợp.

6. Bệnh Gout có dễ chữa hay không ?

Hiện đã có thuốc chữa bệnh gút nhưng chỉ có tác dụng ở giai đoạn sớm. Thường chỉ nửa ngày sau khi uống thuốc, các triệu chứng bệnh sẽ rút hết. Nhưng nếu bệnh nhân không kiêng cữ đúng mức, bệnh sẽ tái phát. Điều đó có nghĩa là, hiện nay chưa có thuốc nào điều trị được tận gốc căn bệnh.

Bệnh nhân Gout có thể dùng làm thuốc Colchicin để chống viêm và Allopurinol để làm giảm nồng độ axit uric trong máu (theo chỉ định của bác sĩ). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là dự phong bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn thức ăn giàu đạm và uống nhiều rượu bia.